Chào bạn.
Tôi là Long, hơn 30 tuổi, làm nghề marketing online tại Sài Gòn.
Nghề tự do, freelancer.
Tôi chuyên nhận các dự án về nhà làm, và không đi làm công ty.
Tôi không đi làm công ty, nên không có bảng lương.
Từ đó rất khó chứng minh thu nhập để mở thẻ tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên với công nghệ như hiện tại (02.2023), tôi đã mở được 5 cái thẻ tín dụng.
Đầu tiên là thẻ tín dụng của Techcombank, với hạn mức 20 triệu đồng.
Rồi tới thẻ tín dụng Sacombank, hạn mức 20 triệu đồng.
Sau đó tới thẻ tín dụng VIB Bank, hạn mức 30 triệu đồng.
Rồi thẻ tín dụng EVO TP Bank, hạn mức lên tới 40 triệu đồng.
Và một cái thẻ tín dụng của Cake (VP Bank) hạn mức 10 triệu đồng, xét duyệt hoàn toàn online nữa.
Tổng hạn mức tín dụng, lên tới 120.000.000 đồng.
Tôi sẽ chia sẻ hành trình đó với bạn nhé.
ĐIỀU KIỆN MỞ THẺ TÍN DỤNG
Đầu tiên, tôi cần nói rõ lí do, tại sao tôi khó mở thẻ tín dụng đến như vậy.
Thông thường, một trong những điều kiện quan trọng để ngân hàng xét duyệt thẻ tín dụng cho bạn, đó là sao kê bảng lương.
Ngân hàng cần xác minh được, bạn có nguồn thu nhập ổn định, để bạn còn có cơ hội trả nợ cho họ nữa chứ, haha.
Tôi làm nghề tự do, nên không có bảng lương.
Vậy thì ngân hàng chỉ có cách, đó là chấm điểm tín dụng từ hệ thống của họ, hoặc qua một hệ thống thứ 3 (trường hợp của tôi chính là Trusting Social), hoặc tham khảo thẻ tín dụng mà bạn đã từng mở ở một ngân hàng khác.
Trường hợp của tôi, thì tôi mở được thẻ tín dụng đầu tiên từ Techcombank (Techcombank sử dụng hệ thống của họ để tự động đề xuất mở thẻ cho tôi).
Sau đó, thẻ tín dụng Sacombank, tôi dùng thẻ tín dụng Techcombank để làm hồ sơ để họ tham khảo.
Còn thẻ tín dụng VIB và thẻ tín dụng EVO TPBank, tôi dùng qua dịch vụ thứ 3 của Trusting Social để mở những thẻ còn lại.
Riêng thẻ tín dụng BE CAKE, tôi xác thực mở thẻ qua kênh online của họ luôn.
Về cách mở từng thẻ, tôi sẽ chia sẻ với bạn ngay sau đây nhé, bạn cứ yên tâm nha.
CÁCH MỞ THẺ TÍN DỤNG TECHCOMBANK
Có thể nói, tôi khá thích dùng ứng dụng ngân hàng của Techcombank.
Ban đầu, Techcombank mở cho tôi một tài khoản ngân hàng online.
Tôi chỉ cần đăng ký online, sau đó vài ngày, tôi ra tận chi nhánh của Techcombank để nhận thẻ, hoặc ngân hàng sẽ gửi tận tới nhà.
Ngày đó, app của Techcombank là một trong những app ngân hàng rất chi xịn xò.
Thời đó, vụ chuyển tiền liên ngân hàng các ngân hàng thường thu phí (tầm mấy ngàn đồng ấy, tôi không nhớ).
Mà Techcombank có cho phép chuyển tiền liên ngân hàng 24/7, hoàn toàn miễn phí nha.
Mở lại dễ nữa, mở online, điền thông tin, rồi thẻ ATM gửi tận nhà hoặc mình chủ động ra chi nhánh gần nhà nhất để lấy nữa, quá tuyệt vời.
Trước khi xài APP của Techcombank, tôi dùng Đông Á Bank, nhưng APP của Đông Á quá tệ, còn app của Vietcombank ngày ấy thì còn củ chuối, chứ chưa xịn như bây giờ.
Do đó khi mở được tài khoản của Techcombank, tôi thường xuyên dùng app của TCB để thực hiện các giao dịch để chuyển tiền.
Do đó, tôi nghĩ, TCB sẽ thu thập được dòng tiền ra vào của tôi một cách đều đặn, và có lượng tiền lớn, là một yếu tố để quyết định mở thẻ cho tôi (tôi nghĩ thế, ý kiến cá nhân).
BÍ QUYẾT SỐ 1: Hãy mở tài khoản ngân hàng Techcombank, và sử dụng thường xuyên ứng dụng của họ. Dòng tiền tốt, nhiều, đều đặn, có khi là một yếu tố tốt để Techcombank mở thẻ cho bạn nhé (ý kiến cá nhân).
Dùng app thường xuyên, đều đặn, lượng tiền giao dịch lớn, tôi nghĩ chỉ mới là 50% các yếu tố quan trọng.
Tới một hôm, tôi nghĩ mình đã tìm ra được 50% yếu tố còn lại nữa.
Đó là một dịp, tôi cần ra quầy giao dịch của Techcombank để làm một cái gì đó mà tôi không thể thao tác online (hình như tôi quên mật khẩu hay gì đó, vì mật khẩu của Techcombank ngày xưa rất hay phải đổi, mà rất bực mình vì mật khẩu phải chính xác 8 ký tự, rồi đủ chữ hoa chữ thường ký tự đặc biệt gì đấy).
Sau khi làm các thủ tục xong, thì bạn giao dịch viên tư vấn cho tôi mở ứng dụng chứng khoán của Techcombank, để tôi đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thao tác cũng hơi rườm rà tí, mất tầm 15 – 20 phút, cuối cùng tôi cũng mở xong.
Ban đầu tôi cũng mở cho vui, vì số tiền dư của tôi cũng không nhiều và ổn định.
Tôi mở xong, rồi để đó.
Và khoảng tầm 2 – 3 ngày sau, Techcombank tự động đề xuất cấp hạn mức tín dụng cho tôi là 20 triệu đồng 🙂
Quá tuyệt vời.
BÍ QUYẾT SỐ 2: Nếu đã có app của Techcombank và dùng thường xuyên, bạn thử mở thêm ứng dụng đầu tư chứng khoán của Techcombank luôn thử. Biết đâu đây là một yếu tố để bạn có thể được cấp thẻ tín dụng thì sao ( ý kiến cá nhân).
CÁCH MỞ THẺ TÍN DỤNG SACOMBANK
Sau khi mở được thẻ tín dụng đầu tiên trong đời Techcombank, tôi lại đi tìm cách mở thêm các thẻ tín dụng online khác.
Và khi search trên Google, tôi tìm thấy ngân hàng Sacombank có chiến dịch mở thẻ tín dụng online mà không cần tới chi nhánh.
Tôi điền vào form thông tin của ngân hàng, sau đó có một bạn nhân viên tín dụng của Sacombank liên hệ với tôi qua ZALO và hỗ trợ.
Tôi cung cấp các thông tin cơ bản của mình, và quan trọng nhất, theo tôi nghĩ, đó chính là tôi đã mở được thẻ tín dụng của Techcombank với hạn mức 20 triệu.
Do đó, ngân hàng Sacombank đã cấp cho tôi một thẻ tín dụng với hạn mức tương đương (20 triệu).
Tôi chỉ cần chụp hình hai mặt thẻ tín dụng Techcombank (tất nhiên các thông tin quan trọng như mã CVV, tôi được nhân viên bên Sacombank hướng dẫn lấy một tờ giấy mỏng che đi).
Và thế là xong, tôi có được cái thẻ tín dụng thứ hai trong đời, mà mở hoàn toàn online.
BÍ QUYẾT SỐ 3: Nếu bạn đã có được một thẻ tín dụng của một vài ngân hàng uy tín (như Techcombank, Vietcombank…), thì bạn có thể đăng ký mở thẻ bên ngân hàng Sacombank với hạn mức tương đương, vì bên các ngân hàng uy tín kia đã xác minh tài khoản của bạn rồi 🙂
CÁCH MỞ THẺ TÍN DỤNG VIB
Sau khi mở hai thẻ tín dụng tầm 1 năm, tôi lại có cơ hội mở thêm một thẻ tín dụng VIB tiếp.
Đợt mở thẻ lần này hoàn toàn khác với hai lần trên, vì phê duyệt thẻ hoàn toàn tự động.
Ngày ấy, VIB kết hợp với Trusting Social, để tạo ra một dòng thẻ tín dụng phê duyệt tự động.
Trusting Social là một nền tảng chấm điểm tín dụng dựa trên thông tin của người dùng từ rất nhiều nguồn thông tin khác nhau (số điện thoại, bill điện nước…).
Tôi thì sở hữu một cái sim điện thoại Viettel dùng từ thời sinh viên, tới nay đã gần 10 năm, nên tôi nghĩ Trusting Social đã có được rất nhiều thông tin của tôi từ cái sim đó.
Và tôi được hệ thống duyệt tự động cho hạn mức là 30 triệu đồng 🙂
Biết ngay kết quả hạn mức chỉ sau khoảng 5 phút.
Thật tuyệt vời.
Tất nhiên sau đó, nhân viên của VIB có liên lạc với tôi để hoàn thiện thêm hồ sơ (như sổ hộ khẩu…).
Trước khi được nhân viên VIB xác minh, tôi chỉ có thể sử dụng hạn mức thấp (tầm 5 – 10 triệu gì đó), chứ chưa được sử dụng full hạn mức.
BÍ QUYẾT SỐ 4: Trusting Social là một ứng dụng quá tuyệt vời cho những người không có bảng sao kê lương như tôi. Hiện tại Trusting Social đã hợp tác với VIB và TPBank để mở các dòng thẻ tín dụng phê duyệt tự động. Nếu bạn sở hữu một số điện thoại dùng lâu năm, ổn định, và có nhiều hoạt động chi tiêu trên đó, đấy có thể là một lợi thế lớn khi mở thẻ tín dụng online.
CÁCH MỞ THẺ TÍN DỤNG EVO TPBANK
Thẻ EVO của TPBank là thẻ tín dụng gần đây nhất mà tôi mở trong năm nay.
Tôi cũng mở hoàn toàn tự động, và thẻ EVO cũng là sự hợp tác giữa Trusting Social và TPBank.
Hạn mức tôi mở được là 40 triệu đồng.
Thẻ cứng vật lý được giao tới tận nhà tôi chỉ sau khoảng 3 – 5 ngày làm việc.
Trong một lần đọc một bài viết về cách mở thẻ tín dụng online, tôi thấy quảng cáo của EVO TPBank, và click vào đó.
Tôi làm theo những hướng dẫn như chụp hình khuôn mặt, chụp hình căn cước, nhập số điện thoại, khai báo một số thông tin cá nhân (nơi ở, nơi làm việc….) và được xét duyệt hạn mức ngay lập tức. Quá tốt.
BÍ QUYẾT SỐ 5: Nếu không có bảng lương, bạn hoàn toàn vẫn có thể mở được thẻ tín dụng của VIB / TPBank qua sự hợp tác của họ với Trusting Social. Tất cả đều online, và phê duyệt tự động bạn nhé. Bạn có thể dùng số điện thoại đã dùng lâu năm, để hệ thống Trusting Social có thêm thông tin để đánh giá bạn nhé.
CÁCH MỞ THẺ TÍN DỤNG CỦA CAKE
Cake là một ứng dụng ngân hàng số của VPBank kết hợp với BE.
Ngân hàng số, nghĩa là mọi tương tác của bạn (là khách hàng) và ngân hàng, đều thực hiện qua online, kể cả việc định danh và mở thẻ tín dụng của bạn.
Tôi cũng cài đặt app CAKE, rồi mở thẻ tín dụng, với hạn mức ban đầu khoảng 5 triệu (hoàn toàn tự động).
Sau đó, tôi sắp một cuộc hẹn với nhân viên bên CAKE (hoàn toàn online qua ứng dụng của họ), để xác minh khuôn mặt, CMND…).
Mọi thứ diễn ra nhanh chóng tầm 15 phút.
Và tôi cũng được cấp một thẻ tín dụng với hạn mức 10 triệu đồng.
BÍ QUYẾT SỐ 6: CAKE là ngân hàng số đầu tiên tôi mở thẻ tín dụng trên đó. Mọi thao tác đều thực hiện qua online. Ngoài ra, tôi thấy CAKE là ứng dụng có rất nhiều ưu đãi cho các bạn trẻ (GenZ), và những bác tài chạy BE. Hãy tham khảo thử nhé.
Đó là toàn bộ hành trình mở thẻ tín dụng của tôi.
Hi vọng chúng là những kinh nghiệm nhỏ để bạn có thêm thông tin để mở được cho mình một thẻ tín dụng thật dễ dàng nha.
NHỮNG KINH NGHIỆM SỬ DỤNG THẺ TÍN DỤNG
Bạn có biết rằng, thẻ tín dụng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của ngân hàng không 🙂
Vì nó đem lại nguồn doanh thu vô cùng ổn định cho ngân hàng, và những con bò sữa (như chúng ta) sẽ cứ mang nợ ngân hàng mà khó trả hết nếu bạn không cẩn thận.
Do đó, bạn cần phải thật sự thận trọng khi sử dụng thẻ tín dụng.
Dưới đây là một số lưu ý cho bạn:
- Hãy mở thẻ tín dụng, khi bạn thật sự cần thiết. Nếu không, bạn sẽ dùng quá tay đấy, vì ngân hàng luôn có sẵn tiền cho bạn mượn sẵn, và bạn cứ trả nợ mãi mà không hết.
- Hãy trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn để tránh bị phạt. Lãi suất của thẻ tín dụng cũng rất cao (30 – 35%), ngang ngửa với vay tín chấp đấy. Còn nếu không đủ tiền để trả nợ thẻ, bạn bắt buộc phải trả được dư nợ tối thiểu, để không bị dính vào blacklist của các ngân hàng.
- Hãy bảo mật thông tin thẻ tín dụng của bạn (12 chữ số + 3 chữ số CVV). Bạn lỡ lộ thông tin này, hoặc làm mất thẻ tín dụng là người khác có thể cà được thẻ của bạn rồi. Họ lấy hàng, nhưng bạn là người trả tiền đấy. Do đó nếu bị mất, bạn hãy liên lạc ngay với ngân hàng để khóa thẻ khẩn cấp, hoặc lên ứng dụng mobile của ngân hàng để khóa nhé.
NÊN MỞ THẺ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG NÀO?
Thật khó đưa ra lời khuyên chung chung cho bạn. Riêng đối với mình, ngân hàng nào có điều kiện mở dễ dàng, tự động càng tốt, lãi tốt thấp càng tốt, hạn mức cao thì càng tốt luôn. Thẻ tín dụng dễ mở nhất mà mình thấy là thẻ tín dụng VIB, EVO của TPBank (vì đánh giá qua hệ thống chấm điểm tự động của Trusting Social), Techcombank (hệ thống tự động luôn), Sacombank (mở qua online, điều kiện bạn chỉ cần có một thẻ tín dụng của ngân hàng tương đương). Lãi suất thẻ tín dụng của ngân hàng nào tốt nhất, thì bạn nên xem thông tin chi tiết trên từng trang web của ngân hàng nhé. Mình nhớ đâu đó cũng tầm 30% một năm đó.
CÓ NÊN MỞ THẺ TÍN DỤNG KHÔNG?
Theo mình là bạn nên mở thẻ tín dụng vì những lý do sau:
Một là tận dụng được dòng tiền từ ngân hàng. Mở thẻ tín dụng, là bạn được MUA HÀNG TRƯỚC, TRẢ TIỀN SAU. Ngân hàng cho bạn mượn tiền để mua hàng trước, sau đó bạn trả lại ngân hàng vào thời điểm thanh toán. Ngoài ra, một số ngân hàng cho phép bạn trả góp qua thẻ ngân hàng. Ví dụ như bạn muốn mua một chiếc MACBook Air trị giá 30 triệu. Bạn có thể mua trả góp 12 tháng, mỗi tháng tầm gần 3 triệu. Như vậy, bạn sẽ mua được chiếc MACBook với chi phí cao, mà không cần phải bỏ ra một lần số tiền quá lớn.
Hai là bạn sẽ tạo được lịch sử tín dụng tốt với ngân hàng và các tổ chức tín dụng, để sau này bạn có thể vay được những khoản tiền lớn hơn để mua nhà, mua xe hơi… vì bạn có lịch sử tín dụng tốt. Tuy nhiên, một điều lưu ý là, bạn PHẢI thanh toán nợ tín dụng đúng hạn nhé. Nếu không, lịch sử tín dụng của bạn sẽ xấu, và bạn còn phải chịu lãi trả nợ tín dụng trễ nữa.
MỞ THÊ TÍN DỤNG CHO SINH VIÊN
Nếu là sinh viên, bạn sẽ khó mở thẻ tín dụng, vì một trong những nguyên tắc hàng đầu để ngân hàng mở thẻ cho bạn là bạn cần có lịch sử tài chính tốt, tức là bạn có dòng tiền vào đều đặn mỗi tháng, khoảng từ 6 – 7 triệu trở lên, và thường đó là dòng tiền lương của công ty.
Vì còn là sinh viên, bạn thường chỉ là nhân viên đi làm partime, với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng / tháng, và không có hợp đồng chính thức, nên sẽ rất khó để bạn có thể mở thẻ tín dụng.
Do đó, bạn hãy kiên nhẫn học hành, rồi đi làm fulltime như nhân viên chính thức, là bạn sẽ mở được thôi nhé.
MỞ THẺ TÍN DỤNG BẰNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Bạn có thể mở thẻ tín dụng bằng bảo hiểm nhân thọ, nếu bạn có mua bảo hiểm nhân thọ với ngân sách mình nghĩ tầm 20 triệu trở lên, và bạn đã mua liên tục trên 1 năm (nếu tầm 2 – 3 năm thì càng tốt).
Vì bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bạn phải mua liên tục trong một thời gian dài, và với chi phí cao, do đó khi bạn đã quyết định mua bảo hiểm nhân thọ (như của Menulife, Prudential, AIA, Bảo Việt, Daiichi…), thì chứng tỏ bạn cũng có một nguồn thu nhập ổn định, từ đó ngân hàng có thể có sự tin tưởng để mở thẻ tín dụng cho bạn nhé.